Thi Công Thiết Kế Cải Tạo Chung Cư 71m2 – Xuân Đỉnh

Thi Công Thiết Kế Cải Tạo Chung Cư

Xin chào mọi người, mình xin phép giới thiệu một căn chung cư cải tạo tương đối điển hình đối với đa số các cặp vợ chồng trẻ hiện nay mà Nội Thất One Home thiết kế và thi công, cũng phân tích một chút để chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thiết kế nội thất từ việc lên ý tưởng, ra bản vẽ rồi xử lý những tình huống phát sinh thực tế để mọi người tham khảo. Hi vọng giúp ích được cho mọi người cả trong trường hợp tự thiết kế cũng như làm việc với kiến trúc sư/nhà thiết kế nội thất.

Căn hộ Chung cư 789 Xuân Đỉnh. Chi phí cải tạo 170tr không bao gồm các thiết bị bếp, thiết bị điện tử.

Diện tích sử dụng 70.7m2

Căn hộ được thiết kế dành cho cặp vợ chồng trẻ (bạn nữ trước là du học sinh). Từ lúc đặt vấn đề thiết kế, hai vợ chồng và kiến trúc sư One Home (KTS) có concept đầu tiên khá táo bạo và tham vọng, là xin phép cải tạo tường trong nhà, dỡ bỏ tường wc phòng ngủ và mở rộng wc chung. Mục đích là tạo ra một căn hộ dạng studio một sàn không tường chia (concept minh họa bên dưới). KTS One Home đã lên phương án để đảm bảo hệ thống kỹ thuật hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến tòa nhà. Tuy nhiên sau khi gửi hồ sơ xin phép, gặp mặt, trao đổi, giải thích & cam kết rất nhiều lần, BQL không đồng ý phương án cải tạo này (!), KTS One Home đành chuyển sang phương án thiết kế với những mảng tường có sẵn trên hiện trạng (như rất nhiều dự án khác, phương án cuối cùng không phải lúc nào cũng là phương án được kỳ vọng ban đầu, mà là phương án tốt nhất dựa trên khả năng tương ứng hiện có)

Cùng là những người trẻ và có phong cách sống khá hiện đại, hai vợ chồng cùng KTS One Home nhanh chóng thống nhất được tone màu chủ đạo là đen – xám – trắng và dùng hồng nhạt làm điểm nhấn, đồ nội thất đơn giản, ít chi tiết.

Khác với đa số căn hộ khác, hai vợ chồng có một số đề xuất về công năng trong căn nhà rất độc đáo và KTS nhận ra đó chính là những điểm sẽ khiến cho căn nhà có thể khác biệt. Đó là:

– Bỏ bàn ăn và thay bằng quầy bar (hai vợ chồng ăn/uống trên bàn bar luôn).

– Tủ trên của bếp thay bằng các đợt ngang (chủ nhà lưu trữ ít đồ và cũng không cầu kỳ việc bếp núc).

– Biến phòng ngủ nhỏ thành phòng thay đồ, trang điểm/làm việc, sàn trống đủ chỗ đặt 1 đệm đơn trong trường hợp có khách hoặc giúp việc.

– Phòng ngủ sử dụng móc treo tự nhiên cho quần áo thay tạm.

– Sofa cần có kiểu dáng lạ mắt, không phổ thông.

Cùng với việc hợp lý hóa không gian cho những đề xuất đó, KTS bổ sung thêm một số giải pháp chuyên môn để xử lý những góc nhỏ và nhọn trong hiện trạng, xử lý thị giác trên phào nối trần và tường, trần thạch cao, xử lý màu sắc trên cửa thông phòng, sàn nhà và những bậu cửa.

Phần quầy bar cùng background được KTS tổng hợp thành 1 không gian cực kỳ đơn giản với sự kết hợp giữa tường giả bê tông thô mộc và những mặt gương nhỏ, để phục vụ nhu cầu đồ uống của chủ nhà.

Phòng ngủ tương đối nhỏ nên KTS lựa chọn những đồ thật đơn giản và gọn gàng, bổ sung 1 dải gương đầu giường để tăng thêm cảm giác thông thoáng cho không gian. Những chi tiết có thể chiếu sáng âm (giấu nguồn sáng) được khai thác triệt để để tạo hiệu ứng chuyển sáng êm dịu trong đặc trưng phòng ngủ.

Một việc mà nhiều chủ nhà và KTS One Home thường bỏ qua trong khi trao đổi là phối hợp để lựa chọn trang thiết bị trong nhà như TV, tủ lạnh, hút mùi… và đặc biệt là chăn ga gối đệm (cả màu sắc, kích thước, kiểu dáng và chất liệu). Đó là những thứ chiếm khá nhiều diện tích trong không gian nhưng dường như không mấy khi được quan tâm đúng mức, ít nhất là về mặt hiệu ứng thị giác. Dự án này KTS One Home rất may mắn được làm việc với hai vợ chồng rất hiểu điều đó nên các trang thiết bị và đồ nội thất khi lắp ghép vào nhau có được sự ăn nhập tương đối rõ ràng.

Câu nói “không có KTS giỏi, chỉ có CĐT thông minh” trong trường hợp này là rất chuẩn xác.

 

Trả lời